Mỹ phẩm giả, nhập lậu tràn lan

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người tiêu dùng nên hết sức thận trọng, chỉ mua mỹ phẩm khi biết rõ nguồn gốc, mua ở đại lý, cửa hàng có uy tín, tránh mua mỹ phẩm trôi nổi để “tiền mất tật mang”.

Chưa khi nào thị trường mỹ phẩm lại phong phú như hiện nay. Các kênh bán hàng online ra đời, nhiều “thương hiệu” nổi tiếng được quảng cáo trên mạng nhằm thu hút người mua. Song thị trường mỹ phẩm trong nước đang phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, mang lại nhiều hệ lụy cho người sử dụng.

Tràn ngập hàng nhái thương hiệu

Dạo quanh một số cửa hàng bán mỹ phẩm tại Hà Nội dễ dàng bắt gặp các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng như Chanel, Lancome, son thỏi M.A.C, nước tẩy trang Byphasse Solution Micellaire… bán với giá rẻ gấp nhiều lần. Các thương hiệu nổi tiếng bị làm giả, làm nhái khá nhiều.

Vào chợ Đồng Xuân, từng sạp mỹ phẩm với đủ các thương hiệu nước ngoài được bán với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn/sản phẩm. Một nhân viên bán mỹ phẩm tại phố Hàng Trống cho biết: “Chị cứ yên tâm, hãng cũng lấy từ chỗ chúng em thôi!”. 

Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua sắm trực tiếp, kênh bán hàng online lên ngôi. Các sản phẩm mỹ phẩm của Hàn Quốc, Nhật, Pháp… được quảng cáo rao bán nhiều trên mạng. Người mua chỉ biết đây là hàng “xách tay”, còn việc có nhãn mác nhập khẩu, hóa đơn bán hàng hay không thì không biết. 

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) liên tục phát đi thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm kém chất lượng. Điển hình trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022 đã đình chỉ và thu hồi hơn 10 sản phẩm mỹ phẩm trong nước sản xuất.

Ngày 28/1, Cục Quản lý Dược đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô mỹ phẩm nước muối súc miệng Pharphap (Natriclorid 0,9%) – 1000ml, số lô PP010921, hạn dùng 24/9/2024 do Công ty cổ phần tập đoàn Shabigroup (phường Đa Phúc, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) sản xuất vì sản phẩm mỹ phẩm này không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu Giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm và Hiệp định mỹ phẩm ASEAN.

Theo Cục Quản lý Dược, các sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi đều được lấy mẫu trên thị trường và có kết quả kiểm nghiệm. Chẳng hạn sữa rửa tay Hoa Mai Vàng, chai 500ml, số lô SH05-01101021, sản xuất ngày 10/10/2021, hạn dùng đến tháng 10/2024 được lấy mẫu tại một siêu thị ở TP Hồ Chí Minh.

Kết quả kiểm nghiệm cũng không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu Giới hạn nhiễm khuẩn. Sản phẩm rửa tay Medicare Gel Hoa Anh Đào Cherry Blossom Hand Gel 300ml, số lô 01, sản xuất ngày 10/10/2020 có hạn dùng 3 năm cũng không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN.

1.jpg -0
Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên thu giữ hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da nhái đóng hộp sẵn chuẩn bị đi tiêu thụ.

Nhiều hệ lụy

Lợi dụng vào nhu cầu làm đẹp của chị em, nhiều đối tượng đã sản xuất mỹ phẩm giả, nhái các thương hiệu, đặc biệt là kem trộn làm trắng da giá rẻ. Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái với mặt hàng mỹ phẩm.

Điển hình là vào cuối tháng 12/2021, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hải Dương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm có địa chỉ tại phố Trần Hưng Đạo, huyện Kinh Môn. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cơ sở này do bà N.T.L làm chủ, đang sản xuất, đóng gói khối lượng khủng lên tới hàng nghìn đơn vị sản phẩm mỹ phẩm. Tất cả các sản phẩm sản xuất ở đây đều dán nhãn các thương hiệu trong nước và nước ngoài, song không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng còn phát hiện trên 270kg nguyên liệu dạng dung dịch lỏng; 24kg tem, phiếu bảo hành; 180kg vỏ bao bì, hộp, chai, lọ các loại cùng với một số máy móc như máy khò màng co, máy ép nhiệt, máy bọc màng co nhiệt, dụng cụ chiết rót… Qua đấu tranh, bước đầu chủ cơ sở khai nhận mua nguyên liệu, máy móc, bao bì, tem nhãn về để phối trộn, sản xuất, sang chiết, đóng mỹ phẩm ghi nhãn của một số cơ sở trong và ngoài nước để bán kiếm lời.

Tiếp đó, ngày 11/1, Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Thái Nguyên đột xuất kiểm tra Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Gem Korea (phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên) do ông Hà Anh Tuấn là người đại diện pháp luật. Kiểm tra kho hàng của công ty, phát hiện chủ cơ sở cùng 8 công nhân đang đóng gói các loại mỹ phẩm và thực phẩm chức năng dành cho người lớn, trẻ em mang các nhãn hiệu như: Hemia, JUSHI, QUEEN PERFECT… Đa phần các sản phẩm có tác dụng làm trắng da và giảm cân; bao bì dùng ngôn ngữ nước ngoài, một số không thể hiện rõ địa chỉ sản xuất.

Đặc biệt, cơ sở còn có các loại máy trộn nguyên liệu, bên trong đang có sẵn nguyên liệu và hàng chục thùng phuy màu xanh đựng các loại nguyên liệu cùng các loại bao bì, chai, lọ, vỏ hộp, tem chống hàng giả. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng ghi nhận hàng nghìn hộp mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm, xếp ngay ngắn dưới nền nhà sẵn sàng cho việc vận chuyển đi tiêu thụ. Đa phần các sản phẩm có tác dụng làm trắng da và giảm cân… Tang vật thu giữ khủng đến mức lực lượng chức năng phải dùng 7 xe tải để chở hàng hóa, máy móc, bao bì, chai lọ, nguyên liệu có dấu hiệu vi phạm.

Theo bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương, sử dụng mỹ phẩm nhái, giả, kém chất lượng làm cho da dễ bị kích ứng, nhiều trường hợp phải vào viện khám vì dị ứng, nổi mụn, sưng tấy sau khi sử dụng mỹ phẩm. Có trường hợp bị nấm, ngứa sau khi sử dụng thuốc nhuộm tóc mua hàng xách tay trên mạng, phải điều trị nhiều tuần mới khỏi.

Vì vậy, theo khuyến cáo của các bác sĩ, người tiêu dùng nên hết sức thận trọng, sử dụng mỹ phẩm phải có sự tư vấn, hướng dẫn về chủng loại, thành phần mỹ phẩm; chỉ mua mỹ phẩm khi biết rõ nguồn gốc, mua ở đại lý, cửa hàng có uy tín, tránh mua mỹ phẩm trôi nổi để “tiền mất tật mang”.

Theo Công an Nhân dân

2 thoughts on “Mỹ phẩm giả, nhập lậu tràn lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *